FitReef

Series “Lật hồ” (T1): xử lý Aiptasia

01 tháng 03 2024
FitReef Corals
Đối với những người chơi chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm, aiptasia có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lật hồ. Tên của loài hải quỳ nhỏ bé này khiến cho các reefer của chúng ta lạnh gáy khi nhắc đến, và sự xâm lược của chúng thường đưa chúng ta và hệ thống hồ cá biển vào trận chiến dài hơi mệt mỏi.
Đây là loài hải quỳ với kích thước nhỏ (nhưng mức độ tàn phá thì to), có khả năng sinh sản với tốc độ chóng mặt, lấp đầy hồ trong thời gian cực ngắn nếu gặp đúng điều kiện phù hợp. Đối phó với loài này cần phải thực hiện càng sớm càng tốt, tránh để chúng lây lan và lớn đến mức không thể xử lý được. Aiptasia có thể tấn công san hô và thậm chí là cá. Sự xuất hiện của chúng còn khiến chúng ta cực kỳ khó chịu mỗi khi nhìn vào hồ.
 
Một hồ bị xâm chiếm bởi aiptasia
Nếu một ngày phát hiện aipta trong bể của bạn? Nếu bạn đã cố gắng tìm tất cả nhưng chỉ phát hiện 1 2 cá thể, hãy cố gắng lấy san hô hoặc đá layout ở vị trí đó ra bỏ nếu được, nếu không thể, bạn có thể dùng keo dán san hô phủ lấy chúng (tương đối rẻ tiền và hiệu quả, tuy nhiên yêu cầu dán phủ toàn bộ 100% aiptasia mới có hiệu quả.), hoặc sử dụng thuốc diệt phun vào (dễ dùng hơn).
Nếu phát hiện nhiều cá thể, 3-4 con trở lên, cuộc chiến đã thực sự bắt đầu.Sau đây chúng tôi giới thiệu một số phương pháp để bạn chiến đấu và chiến thắng loài sinh vật phiền nhiễu này.

Hạ sách

Cạo bỏ, tác động vật lý: điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi thấy bọn này là cạo, bóp nát hoặc nhổ chân chúng, tất cả những tác động vật lý đều khiến chúng vỡ ra, mà các mảnh cơ thể aipta có khả năng mọc lại thành cả một cơ thể hoàn chỉnh, do đó tác động vật lý vào chúng chẳng khác nào bạn đang hỗ trợ chúng sinh sản.
Lasers: Đây là phương pháp dành cho nhà giàu, vì các thiết bị laser với công suất đủ để diệt aipta thường có giá thành cao và khó tìm được nơi cung cấp. Ý tưởng của phương pháp này là sử dụng đèn laser có công suất lớn chiếu xuyên kính nhắm đến vị trí của aipta, khiến chúng như bị thiêu chết. Phương pháp này còn chiếu đến được những vị trí khó mà ta không chạm vào được. Tuy nhiên phương pháp này cũng có khuyết điểm: các tia laser với độ tập trung cao và công suất lớn có khả năng cắt đứt các phần của aiptasia thay vì thiêu chết chúng hoàn toàn, qua đó chừa lại nguy cơ bùng phát lên một đợt aiptasia mới.

Diệt bằng hóa chất:

Sử dụng hóa học/nước nóng để tiêu diệt: sử dụng calcium hydroxide, nước chanh, hoặc tiêm xi lanh nước sôi vào aipta: Phương pháp này thường có chung cách dùng – tắt bơm/ tạo sóng và dùng xi lanh chứa các chất trên bơm trực tiếp vào miệng aipta. Bạn sẽ ban đầu thấy cách này rất hiệu quả vì aipta sẽ gần như rã ra ngay sau đó. Tuy nhiên, khả năng cao rằng aiptasia khi rã vẫn còn những cấu trúc cơ thể khỏe mạnh đủ để hình thành nên những cá thể hoàn chỉnh mới. Các chất tự chế này hoặc thậm chí nhiều thuốc của các hãng nổi tiếng không thực sự hiệu quả trong quá trình tiêu diệt aiptasia. Hãy cẩn trọng vì nếu sử dụng dung dịch kém hiệu quả có thể không những không diệt được aipta mà còn kích hoạt một đợt bùng phát khủng khiếp của chúng chỉ sau 1 đêm.
Chúng tôi khuyến nghị bạn nên thử sử dụng FitReef Aiptasia Killer, sản phẩm an toàn với hồ san hô và chuyên diệt aiptasia với hiệu quả cực kỳ cao, bạn thậm chí không cần phun chính xác vào miệng aipta như các loại thuốc khác, chỉ cần xịt vòng quanh vẫn đảm bảo khả năng diệt hoàn toàn chúng. 

Chích keo: đây là phương pháp phổ biến, tương đối an toàn: chúng ta dùng keo dán san hô để dán toàn bộ vị trí có aipta và phủ chúng bên trong lớp keo. Bạn cần chú ý phủ toàn bộ keo đừng chừa polyp nào tự do bên ngoài. Phương pháp này chỉ áp dụng được cho hồ mới xuất hiện aipta và lượng aipta còn ít, nằm ở vị trí layout có thể dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên đôi khi phương pháp này không hiệu quả nếu aipta bám chân trong hốc đá, bạn không thể phủ keo hết thì chúng sẽ bò trong hốc sang nơi khác.
Điện cực: Phương pháp này cũng tương đối tốn kém và rất khó tìm được thiết bị phù hợp. Ý tưởng chính là tạo ra một dòng điện cục bộ đủ mạnh để: (1) tiêu diệt aipta do nhiệt từ dòng điện (2) tạo môi trường oxy hóa ngay tại vị trí có aipta để tiêu diệt tế bào. Phương pháp này cũng tương tự như laser, khó sử dụng, đôi khi không thể đưa điện cực vào những hốc sâu, tiêu diệt không hoàn toàn aiptasia.

Thiên địch:

Biện pháp sinh học: sử dụng thiên địch để tiêu diệt aiptasia. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập những loài phổ biến có thể dễ dàng tìm được ở Việt Nam:
Tôm bạc hà: Hãy chọn mua đúng loại tôm bạc hà như hình dưới, chúng là Lysmata wurdemanni (bạn nên tìm thêm tên trên mạng để xem kĩ trước khi mua), đây là loại ăn aipta cực kỳ hiệu quả. Tác dụng phụ là đôi khi chúng sẽ ăn san hô sau khi hết aipta nếu bị đói. Theo kính nghiệm của chúng tôi, loài này hay ăn acan, blasto, chén đá và đôi khi là zoa, tuy nhiên mức độ tàn phá không đáng lo ngại cho lắm. Bạn có thể hạn chế chúng khi bổ sung mó (sixline, hoặc các loài mó khác) để hạn chế khu vực và số lượng của tôm. Lưu ý nếu bể của bạn có cá mó sẵn (size lớn), việc thả tôm cần được cân nhắc vì mó sẽ tấn công ăn thịt chúng trước khi kịp ăn aiptasia. Một mẹo nhỏ nếu bạn muốn thử thả tôm là hãy thả vào ban đêm khi cá đã ngủ, để tôm quen hồ tìm nơi trú trước khi biến thành bữa ăn của cá. Nếu không có mó, bạn nên thả tôm xuống nền bằng tay hoặc vợt, không đổ ào từ mặt nước xuống vì cá lớn tưởng tôm là đồ ăn sẽ ăn mất. Khi có tôm nên cho cá ăn no đặc biệt là mó, để chúng hạn chế rỉa tôm của bạn.(A) Lysmata wurdemanni (B) L.rathbunae (C) L.ankeri (D) L.boggessi (E) L.pederseni (F) L.bahia

 
Như hình trên, (A)L.wurdemanni là loại tốt nhất, còn (D) là loại tệ nhất nhưng được bán rất phổ biến. Hãy kĩ lưỡng khi chọn lựa.
Đào học trò: một sự bổ sung tuyệt vời dành cho bể cá của bạn. Loài cá này đẹp, có khả năng ăn aipta tương đối hiệu quả, tuy nhiên cực kỳ khó nuôi. Vấn đề lớn nhất khi nuôi đào học trò là chúng sẽ bỏ ăn và chết dần. Bạn nên tập cho đào ăn trước để sống rồi mới nghĩ đến chuyện chúng sẽ diệt aipta giúp bạn. Món ăn yêu thích của bọn này là nghêu sống (bạn dùng dao tách đôi cho cá ăn trong vỏ), hoặc thử dùng trùng huyết sống để dụ chúng ăn. Kinh nghiệm thường thì đào size càng lớn càng ăn aipta giỏi.

Cá bò giấy: loài này dễ hơn đào học trò một chút, khả năng ăn aiptasia cũng tốt hơn, thường xuất hiện ở các tiệm cá ở VN tuy nhiên cũng khó tìm hơn đào học trò. Không nên thả chúng cùng với những dòng cá bò khác. Cá này có xu hướng ăn san hô nhiều hơn những loại trên, đôi khi đánh những cá nhỏ hơn nên bạn cần lưu ý. Một lưu ý nữa của cá bò là chỉ nên thả trong bể lớn 500L trở lên để đảm bảo môi trường sống tốt cho chúng.
Cuối cùng, đầy bất ngờ: Hermit crab (ốc mượn hồn): đây là loài chúng tôi yêu thích nhất và đã thấy được hiệu quả rất nhiều lần. Ốc mượn hồn sẽ không đụng đến san hô (ngoài trừ việc leo lên san hô hóng gió làm san hô co polyp tạm thời), nếu size nhỏ vừa phải chúng cũng sẽ không gây hại được cho cá của bạn. Ngoài aipta, chúng còn ăn rêu (đặc biệt rêu tóc) cực kỳ hiệu quả. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, loài ốc mượn hồn chân xanh (blue electric hermit), hoặc đỏ chấm trắng (white dotted hermit crab) thường ăn aipta tốt hơn vì đã nhiều lần chứng kiến loại này ăn aipta. Do loài này không có hại nên bạn nên thả với số lượng lớn chút để may mắn có con sẽ ăn aiptasia cho bạn. Đối với hồ 60 chúng tôi thường thả ~20 cá thể size móng tay cái để chúng dọn hồ. Lưu ý: một sai lầm hài hước mà chúng tôi mắc phải là dùng layout bay, hoặc layout đặt làm cắt nhẵn. 2 loại layout này khiến ốc mượn hồn không lên được phía trên layout (vị trí aipta hay mọc). Nếu vậy bạn nên dùng đá layout chèn vô, làm như 1 “cầu thang” để hướng chúng lên được layout phía trên, khi vài ngày quen hồ chúng sẽ tìm đồ ăn được trên layout

Lời kết

Lời khuyến tốt nhất luôn là nên hạn chế những kẻ thù phiền toái như aipta vào hồ bằng cách ly và quan sát kĩ từ đầu. Nếu đã phát hiện aipta trong hồ với số lượng nhiều >3, việc suy nghĩ về những giải pháp sinh học – thủ công hoặc hóa học nên được thực hiện càng sớm càng tốt để không cho aipta cơ hội bùng lên tấn công hồ bạn.
Happy Reefing!
Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Messenger