FitReef

Series “Nước mặn” cho người mới bắt đầu (tập 1)

01 tháng 03 2024
FitReef Corals

Giới thiệu về series “Nước mặn”

Để đơn giản và nhấn mạnh tầm quan trọng của series này, chúng tôi đề xuất một quan điểm: “chơi cá”, hay “chơi san hô” thực chất là “chơi nước”. Hiểu đúng và kiểm soát chất lượng nước ổn định là chìa khóa quan trọng nhất đảm bảo cho hệ thống của bạn phát triển ổn định lâu dài.
Bài viết – series này là những tóm tắt đơn giản và thiết thực nhất dành cho những người mới bắt đầu, thường bị sốc với quá nhiều thông tin được chia sẻ. Chúng tôi sẽ tập trung vào những khía cạnh cực kỳ quan trọng và chắc chắn phải nắm được nếu muốn xây dựng thành công hệ thống hồ san hô cá biển.

Nước biển: nước biển tươi vs nước muối pha

Nước biển tươi:

Đây là lựa chọn đầu tiên khi anh em nghĩ đến hồ cá biển, ngoài ra còn do giá thành rất rẻ và tiện lợi. Nếu đến tận nơi lấy giá ~7k/30L, thậm chí rẻ hơn cả nước RO uống.
Nước biển tự nhiên có thể là một nguồn nước khá ổn cho hồ san hô cá biển. Nhiều người chơi cá cảnh thu thập nước biển này tự mình nếu sống gần biển. Yếu tố quan trọng nhất là độ sạch của nước khi thu thập, thường được đề xuất thu thập nước biển xa bờ, tốt nhất là ngay rạn san hô, để tránh nước thải và các nguồn ô nhiễm khác, mặc dù ngay cả nước xa bờ cũng có thể chứa các hợp chất hữu cơ và hóa chất không mong muốn. Có thể tồn tại một số rủi ro khi sử dụng nước ven biển tùy thuộc vào vị trí, có thể có rất nhiều hóa chất hoặc mầm bệnh gây hại cho hồ cá. Ngoài ra, ngay cả khi cách xa bờ biển, cũng có thể có nồng độ chất dinh dưỡng cao và độ mặn khác xa so với nước biển phù hợp ở rạn san hô.
Một vấn đề với nước biển tự nhiên là nó chứa các phân tử hữu cơ phân tán, vi khuẩn, tảo, vi nhựa và các hợp chất – sinh vật khác. Trong hầu hết các trường hợp, những chất này sẽ không gây hại cho hồ cá và thậm chí có thể cung cấp thức ăn cho nhiều loài sinh vật trong hồ san hô. Tuy nhiên, nếu nước được lưu trữ và để lâu trong can kín, phân huỷ các chất hữu cơ này có thể tạo ra các hợp chất độc như amoniac và hidro sunfua. Vì lý do này, việc lưu trữ nước biển tự nhiên thường đi kèm với quá trình lọc vi sinh và luân chuyển liên tục mới đảm bảo.
Nếu anh em ở ngoài biển gần rạn thì việc thu thập nước biển sạch là đơn giản. Nhiều anh em ở các thành phố đất liền mua nước biển tươi loại bán cho các quầy hải sản để duy trì hồ cá biển. Điều này – sử dụng nước biển tươi mua để nuôi san hô cá biển thường không được khuyến khích ở hầu hết các trường hợp vì những lý do sau:
+ Nước biển tươi đang bán, thường được thu thập ở gần bờ thay vì rạn san hô. Với giá thành rẻ như vậy thì rất khó để nhà cung cấp đi tàu ra đảo xa hút nước về cho bạn được. Nước biển ở gần bờ là khu vực dơ nhất, như đã nói ở bài viết trước, sóng bờ biển giống như “skimmer tự nhiên”, với nước skim là nước gần bờ.
+ Nước biển gần bờ không đủ độ mặn, kH và Ca rất thấp. Chúng tôi đã thử kiểm tra 1 mẫu nước biển tự nhiên được bán với thông số: độ mặn 1016~21 (tùy mùa, người bán giải thích mùa nắng mặn hơn), kH 3.5 và calcium dưới 300ppm.
+ Bạn không thể chắc chắn nước biển sạch không chứa chất thải độc hại cho bể cá của mình.
+ Bạn không thể chắc chắn người bán liệu có đang bảo quản đúng nước biển tươi hay không.
FitReef đã thử nghiệm ~6 tháng hồ nuôi bằng nước biển tươi (có điều chỉnh độ mặn bằng muối redsea pro tím). Tuy nhiên sau đó phát sinh tình trạng zoa nhập chết teo không rõ nguyên nhân nên đã dừng và chuyển thành muối pha.

Nước biển = muối hãng + nước RO-DI

1. Nước pha muối:

Không được dùng nước máy, nước giếng, và cả nước đun sôi để nguội. Nước máy dù khử clo, nấu lên vẫn thường tồn tại nhiều kim loại và/hoặc PO4. Các chất vô cơ này không gây hại nhiều cho cơ thể con người tuy nhiên có thể dần đầu độc hệ thống hồ của bạn. Các kim loại như Đồng, Sắt… không gây hại cho con người ở nồng độ thấp nên đơn vị cung cấp thường không ưu tiên loại bỏ, tuy nhiên tại nồng độ đó hoàn toàn có thể đầu độc cho san hô và cá hoặc tích tụ dần dần gây độc.
Nước RO-DI được khuyến nghị dùng để pha muối cho hồ nước biển. Nước đạt tiêu chuẩn có TDS đạt 0 (tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước =0), thường nước máy sạch có TDS ~50 đo ở TpHCM Q2, nước giếng TDS ~200, qua máy lọc RO TDS ~5-15, qua RO và lõi DI đạt chuẩn TDS đạt 0-2.
Nếu không muốn đầu tư bộ RO/DI, các bạn hồ nhỏ có thể sử dụng các loại nước bình 20L loại nước uống TINH KHIẾT (không dùng nước khoáng) ví dụ như Aquafina, Bidrico, hoặc bất kì hãng nước bình địa phương nào bạn thấy tin tưởng. Nếu không chắc về lựa chọn của mình, hãy mua thêm bút TDS xiaomi (~180k) để kiểm tra TDS nước bình 0~2 là có thể dùng. Nước khoáng như Lavie, khoáng Vĩnh Hảo với TDS trên 200 không phù hợp để pha muối.

2. Hãng muối:

Hiện tại có rất nhiều hãng muối ở Việt Nam, nổi tiếng và phổ biến nhất có thể kể đến như Tropic Marin, Redsea, HW, Aquaforest, Fauna,… Mỗi loại muối có một bộ thông số kèm theo, điều bạn cần quan tâm nhất là những nguyên tố chính như calcium, magnesium và kH. Đặc biệt bộ đôi Ca-kH, hãy chọn loại muối có mức Ca-kH ngang với mức mà bạn muốn duy trì cho hồ của mình để việc thay nước định kỳ trở nên dễ dàng hơn (không làm ảnh hưởng tới thông số hồ khi thay nước).
Ngoài ra còn 1 số điều bạn cần lưu tâm khi chọn mua muối: nguồn cung có hay bị đứt đoạn hay không, mức độ phổ biến, giá cả, tốc độ tan (ví dụ tropic marin có tốc độ tan rất nhanh, không bị cặn), khả năng lưu trữ sau khi pha (ví dụ redsea tím không được trữ lâu vì bị tủa), hoặc dễ bị vón cục…
Tóm lại, quy trình chọn muối như sau:
  • Chọn muối từ 1 hãng lớn và uy tín
  • Chọn muối có mức Ca-kH bạn mong muốn (có thể quan tâm thêm Mg nếu thấy cần)
  • Tham khảo nguồn cung, giá cả và khả năng pha trộn, lưu trữ.
  • Nên tin dùng loại muối đó và sử dụng một loại trong quá trình chơi.
Một số lưu ý quan trọng:
  • Thành công hay thất bại của hồ không phải quyết định bởi loại muối bạn sử dụng. Miễn chọn loại muối của hãng sản xuất lớn và uy tín với thông số Ca-kH phù hợp, mọi thứ sẽ ổn
  • Đừng cố tìm loại muối tốt nhất vì không có loại nào là tốt nhất, mối loại có thông số riêng phù hợp với nhu cầu của người chơi.

3. Pha muối:

  • Khuyến khích chuẩn bị nước RO/DI trước rồi hãy cho muối vào khuấy, làm ngược lại vẫn ổn tuy nhiên với một số muối có mức Ca-kH cao dễ kết tủa hơn và việc khuấy sau đó mất nhiều thời gian hơn. Mỗi hãng có công thức pha muối khác nhau, thông thường 30L pha 1kg-1.1kg muối tùy hãng
    Bạn có thể khuấy tay, dùng tạo sóng hoặc cho bơm vào khuấy, miễn là muối tan hết và không còn cặn. Điều này là cực kỳ quan trọng, những hạt muối chưa tan đổ vào hồ có sức sát thương khủng khiếp với san hô.
    Kiểm tra và cân chỉnh độ mặn 1.026, cân bằng nhiệt độ giữa nước mới và nước hồ. Điều này tương đối khó và mất thời gian, một mẹo có thể dùng là lấy nước RO cho vào ngăn đá, khi thay cho đá đó vào xô nước (nước bình thường nóng hơn nước hồ ở Việt Nam). Bạn tự chọn lượng đá sao cho nhiệt độ ngang bằng là được. Khi bạn thay quen rồi mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn. Thay dưới 10% bạn có thể không cần cân bằng nhiệt.

Nước bay hơi:

Trong cả 2 trường hợp dùng nước biển tươi và nước muối pha, trong quá trình nuôi nước sẽ tự bốc hơi làm tăng độ mặn. Điều bạn cần làm là châm nước RO/DI, có thể mua bình hoặc lấy từ bộ lọc đều được. Nhiều anh em mắc phải sai lầm khi pha muối bù vào nước bị hụt, điều này làm độ mặn liên tục tăng làm nguy hiểm cho hồ.

Lời kết

Chúng tôi khuyến khích sử dụng muối pha, dùng muối hãng pha với nước RO/DI để sử dụng cho hồ cá biển (cá/san hô). Chọn loại muối từ một hãng lớn và bạn sẽ không cần bận tâm về muối nữa. Đây là bước đầu tiên đưa bạn đến với môi trường nước mặn. Nước sau khi vào hồ sẽ nhanh chóng cạn kiệt một số chất, hoặc bị ô nhiễm nhanh chóng, mời bạn đến với các series tiếp theo.
Happy reefing!
Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Messenger